Sầu riêng bị làm giá?
Đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng tại khu vực Tây nguyên nhưng cả người mua và người bán đều đang nhìn nhau “ghìm hàng, ghìm giá”.
Người bán, người mua đều chờ đợi
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 3.8, nhiều vựa thu mua sầu riêng đưa ra thông tin chốt giá ở mức 110.000 đồng/kg đối với loại 1 và khoảng 80.000 đồng/kg với loại 2. Còn những vườn bán xô, bán mão cũng vào khoảng 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chủ vườn vẫn đang nỗ lực dò giá, không chịu bán với giá thấp. Phần lớn nhà vườn đều chưa thống nhất giảm giá bán. Tại Đắk Lắk, chỉ có một vài khu vực sầu riêng rụng, sầu riêng dạt được rao bán 40.000 đồng/kg.
Một số doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu bức xúc, mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được. Bởi với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Vì nếu cộng thêm chi phí DN bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty CP Ban Mê Green Farm, than thở: “Hiện nay có không ít thông tin cho rằng phía Trung Quốc đang “rất hút” sầu riêng, hầu như các vườn trồng đều đang từ chối các DN thu mua, chế biến xuất khẩu. Song điều đó là không chính xác. Chúng tôi đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao. Nếu nông dân, các chủ vườn không thấy rõ vấn đề, tình hình sẽ rất nan giải”.
Đại diện một DN thu mua sầu riêng lớn tại Đắk Lắk khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn “đứng hình” vì không biết nên làm sao cho phải. Nếu mua với giá cao thì không có lãi nhưng không nhập hàng, DN vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản”. Đáng lo hơn, trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các DN có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn DN không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ “vỡ trận” thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.
Không hợp tác, nguy cơ vỡ trận
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, quan ngại: “Thời gian đi qua đang rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các DN và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc “vỡ trận”, không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà DN cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng”.
Theo ông Vũ Đức Côn, sầu riêng không phải là mặt hàng thuộc dạng lương thực nhà nước bình ổn quản lý giá nên tất cả đều phụ thuộc vào cơ chế thuận mua vừa bán, thậm chí các DN trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh với các DN ở địa phương khác đến tranh mua. “Đây là sản phẩm còn khá mới, người dân còn đặt nhiều kỳ vọng nên sẽ khó chấp nhận bán giá thấp. Phải trải qua nhiều chu kỳ lên xuống, họ mới quen dần với diễn biến thị trường, và DN cũng phải quen dần với việc liên kết cùng nông dân”, ông Vũ Đức Côn nhìn nhận.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: “Diễn biến thị trường xuất khẩu sầu riêng hiện nay vẫn tương đối thuận lợi, các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn đều đặn. Tuy nhiên, hiện tượng giằng co mua bán giữa thương lái hay DN với chủ vườn là do hiện nay đã hết vụ mùa sầu riêng từ các vùng khác, ngay cả Thái Lan cũng đã hết thu hoạch. Thời điểm hiện tại chỉ có vùng Tây nguyên là đang cho quả, chính vì vậy chủ vườn “làm giá” cũng là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, thời tiết mưa cũng thường xuyên ảnh hưởng đến việc thu hoạch”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, cũng như nhiều loại trái cây nông sản khác, khi đầu vụ thì giá cao, giữa vụ thu hoạch rộ thì giá xuống thấp và cuối vụ giá lại tăng lên. Vì vậy, bất đồng hiện nay giữa người mua và người bán có thể sẽ không kéo dài. Cần có một sự bắt tay hợp tác dài hạn hơn, một khi các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thì cần phải có vùng nguyên liệu ổn định, chứ không thể “tay không bắt giặc”, ký trước thu mua sau thì rất rủi ro, nguy cơ bể hợp đồng và mất uy tín.
Đinh Đang
Nguồn: Thanh Niên
Link gốc: https://thanhnien.vn/sau-rieng-bi-lam-gia-185230804171203591.htm