Trao “cần câu”, mở lối thoát nghèo bền vững cho người dân Đắk Lắk
Thời gian qua, các cấp ngành của tỉnh Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao “cần câu”, đồng hành cùng người dân thoát
Chị Nguyễn Thị Hạ (thôn Hợp Thành, xã Chư Kbô, huyện Krông Búk) là một trong số những hộ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi mang lại hiệu quả thiết thực. Là mẹ đơn thân, nuôi hai con nhỏ nên hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Thông qua kênh vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, chị Hạ được vay 30 triệu đồng để làm chuồng trại và mua 2 con bò giống.
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, sau ba năm, đàn bò của gia đình chị đã sinh sản thành 6 con. Năm 2019, chị Hạ bán 3 con bò để trả nợ cho NHCSXH huyện và tiếp tục xin vay lại 40 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, chị Hạ đã là chủ trang trại chăn nuôi với tổng đàn 45 con heo và 9 con bò. Với chị Hạ, nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành “cứu cánh” giúp chị mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện mỗi năm thu nhập từ việc chăn nuôi mang lại cho gia đình chị số lãi hơn 150 triệu đồng.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Ea Kung, xã Cư Né, huyện Krông Búk) cũng là khách hàng quen thuộc của NHCSXH huyện khi đã nhiều lần vay vốn để phát triển sản xuất. Gia đình ông Thọ có 4 sào cà phê đã trồng từ năm 1995 nên dù đầu tư phân bón, chăm sóc đều đặn thì mỗi năm chỉ thu về 1 tấn nhân. Năm 2007, gia đình ông được vay 20 triệu đồng để tái canh cà phê. Sau 3 năm, vườn cà phê tái canh của gia đình ông phát triển đều, đẹp và cho năng suất vượt trội. Năm 2017, sau khi trả hết nợ cũ, ông Thọ đã mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để phát triển chăn nuôi.
Từ hộ khó khăn, nhờ cần cù, chịu khó, đến nay gia đình ông luôn duy trì nuôi với tổng số 20 con bò sinh sản và 30 con dê. Ngoài ra, ông Thọ còn đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt lên 1,7 ha. Ông Thọ chia sẻ: “Được vay vốn cùng với những ưu đãi về lãi suất nên kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định. Hằng năm thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi được khoảng 200 – 250 triệu đồng”.
Hay từ các nguồn vốn vay chính sách, hộ bà Nguyễn Thị Tín (thôn 3, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đã sử dụng để trồng mới, cải tạo 1ha cà phê và 6 sào lúa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và đầu tư, chi tiêu hợp lý, đúng mục đích nên sản lượng thu được từ mô hình trồng trọt dần mang lại kinh tế ổn định cho gia đình bà Tín. Năm 2020, bà Tín mở rộng thêm khu chăn nuôi bò, gà, vịt để tăng thu nhập. Qua nhiều lần tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH, đến nay gia đình bà Tín không những thoát nghèo bền vững mà còn trở thành một trong những gia đình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã Hòa Lễ.
Nguồn vốn chính sách được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng
Cùng với sự quan tâm, phối hợp, giám sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng có hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn.
Mỗi chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách đều mang một mục đích và ý nghĩa khác nhau, nhưng trên hết vẫn là vì mục tiêu giúp đỡ người dân phát triển sản xuất và giải quyết đời sống.
Đặc biệt, nguồn tín dụng chính sách không chỉ góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, nguồn vốn của ngân hàng đã phủ kín toàn địa bàn 184 xã, phường, thị trấn ở 15 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc. 100% hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng chính sách.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giải ngân kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn với doanh số cho vay đạt 979.768 triệu đồng, giải quyết cho vay đối với 24.275 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Các chương trình cho vay tín dụng được triển khai rất thiết thực, kịp thời và hữu ích. Trong đó, phải kể đến như là: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội, cho vay xuất khẩu lao động…
Bên cạnh hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk còn ưu tiên các chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục… Qua đó góp phần tạo việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 – 2%, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%, hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 – 5%.
Thư Anh
Nguồn: Dân Việt